NGND.GS.TS. Trần Phước Đường sinh ngày 30/4/1940, tại Đồng Tháp. Năm 1966, Giáo sư tốt nghiệp đại học ngành Sinh vật học tại Đại học Khoa học Sài Gòn và tốt nghiệp tiến sĩ khoa học, tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ vào năm 1972. Giáo sư Trần Phước Đường làm Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ theo hình thức bầu trực tiếp nhiệm kỳ 1989-1993 và tiếp tục nhiệm kỳ 1993-1997.

Trong hai nhiệm kỳ Hiệu trưởng từ năm 1989 đến 1997, GS. Trần Phước Đường đã có công đóng góp phát triển Trường Đại học Cần Thơ thông qua các hoạt động hợp tác với các viện, trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ,… Kết quả từ việc mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều chương trình, dự án quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của Trường Đại học Cần Thơ đến ngày hôm nay là Chương trình MHO do Chính phủ Hà Lan tài trợ với kinh phí khoảng 19 triệu USD, Chương trình VLIR do Chính phủ Bỉ tài trợ với kinh phí khoảng 19 triệu USD, Dự án xây cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Khoa Nông nghiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ với kinh phí khoảng 23 triệu USD (Nguồn ĐHCT).

Kỷ niệm tổng kết Chương trình MHO7 (1996-2004). GS. Trần Phước Đường cùng các thành viên MHO7: GS. Tek An Lie, GS. Rommert van den Bos, GS. Rob Nout, IR. Bert Wennekes, GS. Nguyễn Văn Uyển cùng các Giảng viên Viện và các Thạc sĩ Công nghệ sinh học khóa 1

 

Hội thảo 20 năm hợp tác Đại học Tự do (VUB) - Đại học Cần Thơ (CTU), họp mặt cựu sinh viên Chương trình Đào tạo Thạc sĩ Sinh học Phân tử IPMB. GS. Trần Phước Đường cùng GS. Edilbert Van Driessche, GS. Sonia Beeckmans, GS. Hà Thanh Toàn và các thành viên chương trình VLIR-OUS (2016) (Nguồn: Sonia Beeckmans, 2016)

Sự thành công của giai đoạn 1989-1997 đã tạo nền tảng rất vững chắc cho sự phát triển của Trường Đại học Cần Thơ đến giai đoạn hiện nay với vai trò lãnh đạo và tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” của GS. Trần Phước Đường đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng các thế hệ tiếp nối. Giáo sư là tấm gương sáng và là niềm tự hào của tập thể công chức, viên chức, người lao động và sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.

GS. Trần Phước Đường đang sơ kết đề tài “Men bánh nổi” trong Hội nghị CNKH của Trường, năm 1979

GS. Trần Phước Đường là người sáng lập nên Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học. Viện bắt đầu từ “Nhóm nghiên cứu vi sinh” thuộc Ban Thực vật - Đại học Khoa học - Viện Đại học Cần Thơ, cơ sở tại khu III từ năm 1973-1975 và “Phòng thí nghiệm Vi sinh vật (1975-1976). Theo thời gian, nhóm nghiên cứu này phát triển dần, lớn mạnh lên, từ Tổ Vi sinh vật - Bộ môn Vi sinh vật - Trung tâm Nghiên cứu Đạm sinh học nhiệt đới 1981 - Trung tâm Nghiên cứu Đạm sinh học 1985 - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học 1991, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học hình thành năm 1995 và phát triển đến ngày nay.

Trong thời gian làm hiệu trưởng 1989-1997 GS. Trần Phước Đường kiêm nhiệm là Giám đốc của Viện. GS. Trần Phước Đường rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Năm 1976: Từ phòng thí nghiệm Vi sinh vật, các cán bộ đã nghiên cứu tự chế tạo các thiết bị dùng trong nghiên cứu như tủ cấy vô trùng, thùng lên men…..để chế tạo thành công và chuyển giao sản xuất “men bánh nổi” hay còn gọi là bột nổi làm bánh mì. Nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ nuôi cấy meo nấm rơm, nấm mèo. Nuôi vi khuẩn Rhizobium sản xuất phân bón ViDana, ViDapho. Tổng hợp thành công tiền chất kích thích tố Thyroxin từ protein của đậu nành, thiết kế toàn bộ qui trình sản xuất thuốc tăng trọng Thyromin. Thủy phân Protein cá làm nước mắm để khử mùi hôi nước mắm. Sưu tầm và lưu giữ nấm men, nấm mốc, vi khuẩn trong men rượu, men tương chao, nước mắm để ứng dụng trong nghiên cứu khác. Khởi đầu nghiên cứu cố định đạm nội sinh và hòa tan lân. Phát triển các Phương pháp phát hiện vi sinh vật gây bệnh dựa trên công nghệ sinh học phân tử.

Đặc biệt từ Viện, GS. Trần Phước Đường đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm Thyromin bán ra thị trường các trại chăn nuôi lớn ở ĐBSCL và khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Sông Bé tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm này, thu về nguồn tài chính cho Viện. BGH Trường ĐHCT sử dụng một phần nguồn tài chính này chi bổ sung “tiền gạo” 17 kg/tháng/người cho tất cả cán bộ, viên chức, người lao động của Trường từ năm 1989 đến 1997. Đây cũng là tiền đề của khoản chi “Thu nhập tăng thêm” hằng tháng của Trường ngày nay (Nguồn: Trịnh Ngọc Hòa).

GS. Trần Phước Đường báo cáo chương trình MHO7 trong phòng tranh cũng là phòng họp Viện năm 2004 (Nguồn: Rommert van den Bos, 2004)

GS. Trần Phước Đường đang thảo luận nội dung lắp đặt trang thiết bị trong phòng thí nghiệm với các chuyên gia Bỉ, chương trình VLIR-UOS năm 2000 (nguồn Sonia Beekman, 2000)

GS. Trần Phước Đường đã xây dựng được nhiều dự án quốc tế cho Viện: Chương trình “Nghiên cứu sự sống sót của vi khuẩn (Brady)Rhizobium ở ĐBSCL hợp tác giữa Phòng thí nghiệm nghiên cứu sự cộng sinh vùng rễ”- INRA Montpellier và Trung tâm Đạm-Trường Đại học Cần Thơ 1983-1986. Chương trình VH24 thuộc Đại học Wageningen - Hà Lan: Nghiên cứu chu trình cố định đạm từ năm 1986. Chương trình EC - Cộng đồng châu Âu (European Community) từ năm 1990 tài trợ cho Trường ĐHCT chương trình nghiên cứu về cây trồng trên đất cạn. Hợp tác giữa Wageningen University - Hà Lan - Institut National de la Recherche Agronomique (INRA) Montpellier - Pháp và Trung Tâm NC & PT Công nghệ Sinh học. Chương trình MHO7 (1996-2004): đào tạo, chuyển giao Công nghệ sinh học. Chương trình VLIR OUS (1998-2008): đào tạo, chuyển giao Công nghệ sinh học. Các chương trình này là nền tảng đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường trang thiết bị cho Viện sau này.

Hợp tác chuyển giao công nghệ với Malaysia

 

Đào tạo Thạc sĩ Ngành CNSH khóa đầu tiên

 

Đào tạo tiến sĩ trong nước, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc (áo vàng) 2011, do GS. Cao Ngọc Điệp hướng dẫn

GS. Trần Phước Đường góp phần rất lớn cho công tác đào tạo của Trường và của Viện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường ĐHCT đào tạo Thạc sĩ Công nghệ Sinh học năm 1997. Trước đó, bắt đầu từ năm 1992, Trường ĐHCT được Bộ Giáo dục cho phép đào tạo bậc học tiến sĩ. Hai tiến sĩ đầu tiên do Trường ĐHCT đào tạo là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiệp và Tiến sĩ Cao Ngọc Điệp. Cả hai cùng báo cáo luận án TS. ngày 07-2-1994. Hai tiến sĩ Điệp & Hiệp ghi danh ở Việt Nam, thực hiện một phần luận án ở Hà Lan (dạng sandwich). Đồng thời và sau đó, nhiều tiến sĩ của Viện được đào tạo dưới dạng toàn phần hoặc sandwich như: TS. Nguyễn Văn Bá, TS. Hà Thanh Toàn, TS. Ngô Thị Phương Dung, TS. Nguyễn Văn Thành, TS Trần Nhân Dũng, TS. Dương Thị Hương Giang, TS. Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, TS Nguyễn Thị Pha, TS. Bùi Thị Minh Diệu, TS. Trần Thị Xuân Mai, TS. Võ Văn Song Toàn, TS. Đỗ Tấn Khang, TS. Nguyễn Phạm Anh Thi, TS. Huỳnh Xuân Phong, TS. Trần Thị Giang, v.v… làm nền tảng cho việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài nước của Viện sau này.

GS. Trần Phước Đường và nhóm Công nghệ sinh học tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường trước Viện cũ (31/3/1966 - 31/3/2016) (Nguồn: Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2016)

 

GS. Trần Phước Đường và nhóm Công nghệ sinh học tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường trước Nhà Điều hành Trường (31/3/1966 - 31/3/2016) (Nguồn: Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2016)

Sếu đầu đỏ Tràm Chim (nguồn: Trần Phước Đường)

 

Ngày 18 tháng 5 Paris (chụp từ ảnh TPDuong)

 

Sen Hà Nội (trái), Sen Cần Thơ (phải) (Nguồn: Trần Phước Đường)

GS. Trần Phước Đường là một nhà văn hoá lớn. Giáo sư đã ban hành những quy định trang phục công sở (1997), phương cách giao tiếp qua điện thoại v.v... Hiện nay trong Trường vẫn đang lưu truyền rất nhiều giai thoại về GS Trần Phước Đường, “những giai thoại của nhà giáo kỷ cương - tình thương - trách nhiệm. Những câu chuyện Giáo sư rầy cán bộ, không những không ai giận Giáo sư mà còn biết ơn và nhớ như in vào tâm trí mỗi người! và mỗi khi nhắc đến Thầy ai cũng có câu chuyện kể về Thầy với niềm tự hào, yêu thương và kính trọng thầy Trần Phước Đường! (FB Diem Huynh)”.

Giáo sư đã chụp ảnh nhiều danh lam thắng cảnh, công trình văn hoá ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam: Cối xay gió-Hà Lan; Vườn Tulip-Hà Lan, Tháp Eiffel - Paris, Ngày 18 tháng 5 Paris (ngày chiến thắng Đức quốc xã), Thánh địa Chăm-Mỹ Sơn, Những thế hệ, Sếu đầu đỏ - Tràm Chim, Miền quê, Sen Hà Nội v.v.. Các tác phẩm nhiếp ảnh chứa nhiều thông điệp rất nhân văn. Chúng đã được triển lãm, trưng bày trong Trường, Viện để truyền đạt, quảng bá những truyền thống, văn hoá & mỹ học đến các thầy cô giáo, công nhân, viên chức và sinh viên của Trường, của Viện.

Sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các y, bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa, NGND, GS.TS. Trần Phước Đường đã từ trần vào lúc 9g40 ngày 23/8/2020 tại Đà Lạt, hưởng thọ 80 tuổi. Tang lễ của Giáo sư được tổ chức tại nhà riêng số 20, Khu Biệt thự Đồi An Sơn, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trường Đại Học Cần Thơ cũng đã tổ chức địa điểm để thầy cô, viên chức, bạn bè, đồng nghiệp, các cựu sinh viên và các em sinh viên đến thắp hương viếng Giáo sư tại Nhà khách số 1, Khu I - Trường Đại học Cần Thơ, đường 30/4 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Sự ra đi của Giáo sư đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên của Trường.

Tập thể cán bộ viên chức Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học xin chân thành gửi lời chia buồn đến gia đình Giáo sư. Chúng tôi rất tự hào được là học trò và là nhân viên của Giáo sư. Chúng tôi vô cùng tiếc thương và mãi mãi ghi nhớ công ơn vô cùng to lớn của Thầy NGND.GS.TS. Trần Phước Đường, người sáng lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học của chúng tôi!

Cần Thơ, ngày 30 tháng 8 năm 2020

Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh họcc

CHƯƠNG TRÌNH CLC VÀ TIÊN TIẾN

Số lượt truy cập

1644289
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
254
1885
12612
1644289

VIỆN CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀ THỰC PHẨM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

 

Địa chỉ: Tòa nhà Phức hợp Phòng thí nghiệm (RLC - zone B), Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (84) 02923 835961 Fax: (84) 02923 830260
Email: vcnshtp@ctu.edu.vn